Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

"CÓ MỘT" HUẾ NHƯ VẬY TRONG TIM NGƯỜI CON NƯỚC NAM

Thăng trầm đất Cố đô
Cố đô Huế là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, cảnh quan thiên nhiên hữu tình được nhắc nhiều trong các tác phẩm thi ca Việt Nam. Mặc cho bánh xe thời gian vẫn vô tình quay về phía trước nhưng ở Huế vẫn còn điều gì đó thiêng liêng lắm, đặc biệt lắng đọng lại của mảnh đất "Kinh Đô" xưa nơi lữ khách khiến bất cứ ai cũng cảm thấy bâng khuâng khó tả.
1. Ngọ Môn - Cánh cổng Hoàng Cung đẹp nhất Châu Á:


Ngọ Môn là di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía nam của Hoàng thành. Ngọ Môn được xây dựng năm Minh Mạng 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Nguyên tại vị trí này trước kia là Nam Khuyết Đài, xây dựng đầu thời Gia Long. Trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn.

Vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nam Khuyết Đài bị giải thể hoàn toàn để lấy chỗ xây dựng Ngọ Môn. Trong bốn cổng của Hoàng thành là Ngọ Môn, Hòa Bình, Hiển Nhơn và Chương Đức thì Ngọ Môn là chiếc cổng lớn nhất. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ. Hướng này, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng Nam (nhưng cần hiểu là trên cả một trục rộng từ đông nam đến tây nam). Hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh thành Huế trên thực tế là hướng càn - tốn (tây bắc - đông nam) nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ - hướng nam, hướng mà Dịch học quy định dành cho bậc Quân Vương là "Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ".
2. Chùa Thiên Mụ - Thâm nghiêm chốn Thiền môn:

Tọa lạc trên đỉnh đồi Hà Khê, tả ngạn dòng Hương Giang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Trong cuốn "Thần Kinh Thập Nhị Cảnh" của vua Thiệu Trị thì ngôi chùa được xếp vào vị trí thứ 14.
Năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng nhân vào Hóa Châu tuần du, đã đặt chân đến đây, thấy phong cảnh tuyệt đẹp, địa thế tốt lành, ngôi chùa danh tiếng bị hư hỏng. Chúa cho dựng lại chùa, lấy tên "Thiên Mụ Tự".

Đời vua Tự Đức, chùa được đổi tên là "Linh Mụ Tự". Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu ngôi chùa, quy mô kiến trúc còn nhỏ. Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm, người Trung Quốc, được chúa Nguyễn mời làm trụ trì chùa. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), ngài đã truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung cao 2,5m, nặng 3285 cân. Đến năm 1714, chúa cho đại trùng tu chùa với quy mô lớn, mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt tháng, và cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng kinh điển hơn ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa. Năm 1715, công trình hoàn thành, chúa cho dựng bia để ghi nhớ. Tấm bia cao 2,58m, đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch, có bài minh ca ngợi ngôi danh lam này:
... Phía Nam nước Việt chừ, núi sông đẹp đẽ
Ngôi chùa hùng tráng chừ, cửa Thiền nắng chiếu
Tánh vốn trong sạch chừ, nước chảy róc rách
Đất nước an ổn chừ, bốn cảnh thanh nhàn.
Vào thời nhà Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây bảo tháp Phước Duyên bảy tầng, hình bát giác, cao 21m, mỗi tầng tôn trí một tượng Như Lai bằng vàng. Trước tháp, vua cho dựng đình Hương Nguyện. Hai bên đình, dựng hai nhà bia. Trước đình dựng trụ hoa biểu. Chùa bị hư hỏng nặng năm 1943. Từ năm 1945, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã tổ chức công cuộc đại trùng tu kéo dài hơn 30 năm.
Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.
3. Cung Trường Sanh - Trường Ninh Thùy Điếu:


Nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh được xây dựng phía Tây Bắc Hoàng thành với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau, cung này được được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu. như bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), bà Từ Minh (vợ vua Dục Đức), bà Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh).

Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy và được vinh thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh.
Cung điện thời Nguyễn này nằm ở góc tây bắc trong Hoàng thành, phía sau cung Diên Thọ. Cung điện được khởi công xây dựng từ năm Minh Mạng thứ nhất (1821), với tên ban đầu là cung Trường Ninh, kiểu thức như một hoa viên. Kiến trúc ban đầu xếp theo hình chữ tam, gồm một điện chính ở giữa, một điện phía trước, một lầu phía sau và một số công trình phụ ở xung quanh Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cung Trường Ninh được trùng tu lớn, với sự nâng cấp quy mô và kiểu dáng kiến trúc . Kiến trúc chính của cung giai đoạn này xếp theo hình chữ Vương (王) với hệ thống hành lang tạo nét sổ (丨) giữa chữ, nối kết các cung điện với nhau. Hệ thống cung bao gồm điện Thọ Khang đặt chính giữa, tòa Ngũ Đại Đồng Đường phía trước và lầu Vạn Phúc đứng sau cùng.

Ngoài ra, phía trước nhà Ngũ Đại Đồng Đường có Phường Môn, phía sau lầu Vạn Phúc có xếp mấy ngọn đá giả sơn mang tên núi Bảo Sơn, núi Kình Ngư, núi Hổ Tôn v.v. Vòng quanh Cung còn có lạch nước Đào Nguyên nhân tạo nối qua hồ Nội Kim Thủy ở phía Bắc. Ngang qua con lạch bắc những cây cầu sơn màu đỏ để tiện đi lại.
Năm 1923, vua Khải Định tiếp tục cho tu bổ cung, đổi tên thành Cung Trường Sanh đồng thời dựng thêm hai tòa nhà để xe ở phía trước, gần cổng vào cung.